Thói quen tốt cần duy trì, thói quen xấu cần bỏ đi. Nhưng làm sao để biết thói quen nào là tốt và thói quen nào là xấu với sức khỏe răng miệng của chúng ta. Hôm nay, Nha khoa Vincos sẽ liệt kê giúp bạn những thói quen cần tránh trong cuộc sống hàng ngày; cũng như các tác hại mà nó mang lại. Từ đó, Vincos sẽ đưa ra những phương pháp loại bỏ các thói quen xấu, giúp bạn có hàm răng chắc khỏe.
Những thói quen phổ biến gây hại cho sức khỏe răng miệng:
- Chải răng không đúng cách:
Nhắc đến việc vệ sinh răng miệng thì chải răng là một trong những bước cơ bản. Nhưng tiếc thay, nếu thực hiện chải răng không đúng cách thì đây có thể trở thành lý do khiến chúng ta mắc các bệnh lý răng miệng.
Sử dụng các loại bàn chải quá cứng kết hợp với việc chải răng vừa nhanh vừa mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây tụt nướu, mòn men răng. Ngoài ra, cũng không phải đánh răng càng nhiều là càng tốt. Bạn nên lưu ý về thời điểm đánh răng trong ngày, càng không nên đánh răng ngay sau bữa ăn vì thức ăn có chứa acid cộng thêm kem chải răng sẽ làm mòn răng nhanh chóng. Tốt nhất là nên đánh răng sau bữa ăn ít nhất 30 phút bạn nhé!
Cách để chải răng đúng cách là bạn phải sử dụng bàn chải lông mềm. Sau đó, chải nhẹ nhàng từ trong ra ngoài, nghiêng bàn chải 45 độ và chải dọc từ trên xuống dưới là cách tốt nhất lấy đi thức ăn, mảng bám từ kẽ răng đồng thời bảo vệ được răng nướu.
- Dùng tăm để lấy thức ăn từ kẽ răng:
Thức ăn giắt vào kẽ răng tạo thành nơi cho vi khuẩn xâm nhập, dễ sâu răng và tạo mùi. Lấy thức ăn từ kẽ răng là điều nên làm. Nhưng với những chiếc tăm răng này, bạn sẽ vô tình tạo kẽ hở lớn giữa các răng và dẫn đến răng thưa. Tức là, vốn dĩ làm sạch răng thôi nhưng vô tình đẩy khoảng cách răng ra xa và kém thẩm mỹ. Với trường hợp cần lấy thức ăn khỏi kẽ, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa thay thế tăm xỉa răng nhé!
- Sử dụng quá nhiều trà, cà phê, thuốc lá:
Các thực phẩm có màu quá nặng, có chất gây bám dính, ảnh hưởng đến răng thì bạn cần tránh xa chúng. Đặc biệt là với những người hút thuốc lá lâu năm, họ sẽ dễ bị viêm nha chu, các bệnh lý về răng cũng khó khăn khi điều trị, lâu lành thương hơn người không hút thuốc. Còn với trường hợp người mất răng cần cấy ghép Implant thì người hút thuốc cũng không thể sử dụng phương pháp này để hồi phục răng mất.
- Thức ăn quá nhiều đường, axit:
Kẹo ngọt, đường là loại thực phẩm dễ khiến sinh sôi vi khuẩn trong miệng. Đây cũng là lý do nhiều trẻ em bị vấn đề sâu răng khi ăn kẹo trong khi chúng vẫn chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
Bên cạnh đó, các loại nước uống có gas, nước uống có tính axit… có thể làm mòn men răng, gây hỏng răng. Bạn có thể thay thế bằng các nước uống có nhiều Vitamin C và nhớ súc miệng để làm giảm nồng độ Axit gây phá hoại men răng.
- Chứng nghiến răng:
Nghiến răng không phải là tình trạng hiếm gặp. Và với những ai gặp phải thì lại rất khó khắc phục. Nghiến răng thông thường xảy ra vào lúc ngủ, đang say giấc khó lòng kiểm soát, hoặc khi nóng giận, lo lắng mà vô thức nghiến răng.
Thói quen này tai hại ở chỗ sẽ làm mỏi cơ, mòn mặt nhai, đau khớp thái dương hàm và để lâu dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn nữa.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay các nha khoa cung cấp biện pháp can thiệp bằng máng nhai để bảo vệ hàm dưới tác động của lực nghiến răng.
- Nhai đá:
Nhai đá cũng là thói quen, sở thích phổ biến với nhiều người, đặc biệt khi trời nóng bức. Tuy nhiên, thói quen này sẽ ảnh hưởng đến lớp men răng làm răng yếu dần đi. Có đôi khi, nhai đá còn khiến răng vỡ mẻ, nứt răng tạo khe hở cho vi khuẩn xâm nhập.
- Dùng răng cắn các vật cứng:
Răng có chức năng cắn xé thức ăn nhưng là trong giới hạn cho phép. Nếu bạn dùng răng để mở nắp chai, xé bao bì thực phẩm, các “chức năng” không thuộc về phạm vi mà răng nên làm, răng bạn sẽ dễ hư tổn. Thói quen này cũng gây nên những tác hại tương tự như nhai đá nên bạn cần khắc phục ngay lập tức để có một hàm răng chắc khỏe.
- Không lấy cao răng:
Cao răng được hình thành tự nhiên từ thành phần canxi trong nước bọt và dịch nướu. Ai cũng sẽ có cao răng, ít hay nhiều thì tùy thuộc vào từng người. Cao răng bám đầy cũng là nguyên nhân hình thành căn bệnh tụt nướu, viêm lợi và cuối cùng dẫn đến viêm nha chu cấp độ nặng. Ngoài ra, cao răng còn khiến hơi thở có mùi và làm mất sự tự tin khi giao tiếp. Do cao răng không thể loại bỏ nhờ các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường nên chúng ta phải đến nha khoa và thực hiện lấy cao răng định kỳ bạn nhé!
Kết luận:
Chúng ta không ít thì nhiều cũng sẽ có những thói quen không lành mạnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Điều quan trọng ở đây là khi biết và hiểu những tác hại mà thói quen xấu mang lại thì chúng ta phải loại bỏ ngay lập tức.
Bên cạnh đó, thường xuyên khám răng miệng định kỳ để bác sĩ có thể giúp bạn hướng dẫn cách bảo vệ sức khỏe răng miệng đúng cách phù hợp với từng trường hợp.
Qua tuổi mọc răng, các răng vĩnh viễn sẽ là người bạn đồng hành của bạn trong suốt cuộc đời. Đừng bao giờ lơ là với sức khỏe răng miệng, vì khi ăn nhai tốt thì sức khỏe thể chất sẽ ngày càng tốt bạn nhé!